Chiều 23-6, ông Trần Lưu Quang, phó thủ tướng, chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên, đã chủ trì hội nghị Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên lần thứ 3 với sự tham dự của lãnh đạo các bộ ngành trung ương và lãnh đạo 5 tỉnh: Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông và Đắk Lắk.
Măng Đen, Biển Hồ - nhân tố mới của Tây Nguyên
Tại hội nghị, ông Trần Duy Đông, thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, tầm nhìn đến năm 2050 thì vùng Tây Nguyên là vùng phát triển bền vững, có nền kinh tế xanh, tuần hoàn, một số tỉnh trong vùng thuộc nhóm phát triển khá của cả nước; hình thành các vùng sản xuất lớn về cây công nghiệp, cây ăn quả, rau hoa; trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước; hình thành một số khu du lịch chất lượng cao, điểm đến hấp dẫn du khách; hệ sinh thái rừng được bảo tồn và phát triển.
Kết cấu hạ tầng của vùng hiện đại là các nền tảng quan trọng thúc đẩy Tây Nguyên kết nối với các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, hội nhập kinh tế quốc tế; bản sắc văn hóa được phát huy và trở thành nền tảng để phát triển.
Về kinh tế, đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người của vùng đạt 130 triệu đồng/người; cơ cấu kinh tế gồm nông - lâm - thủy sản đạt 29%, công nghiệp - xây dựng 27%; dịch vụ 38%,...
Đà Lạt là trung tâm của nam Tây Nguyên
Toàn vùng có các tiểu vùng gồm: Tiểu vùng Bắc Tây Nguyên gồm tỉnh Gia Lai và Kon Tum với trọng điểm phát triển cây công nghiệp, cây lương thực, đầu mối giao lưu quốc tế. Đẩy mạnh phát triển du lịch, hình thành các khu du lịch quy mô lớn tầm quốc gia như khu du lịch sinh thái Măng Đen; khu du lịch Biển Hồ - Chư Đăng Ya và các khu du lịch gắn với vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên. Nâng cao chất lượng các cụm đô thị Pleiku (trung tâm của tiểu vùng) và TP Kon Tum.
Tiểu vùng Trung Tây Nguyên bao gồm toàn tỉnh Đắk Lắk là trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ nông nghiệp quốc tế; trung tâm kết nối giao lưu, thương mại, văn hóa, bảo tồn đa dạng sinh học của vùng và khu vực Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia. Phát triển trung tâm của tiểu vùng là thành phố Buôn Ma Thuột.
Tiểu vùng Nam Tây Nguyên (bao gồm tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Đắk Nông) là trung tâm dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao của cả nước và quốc tế; vùng nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp khai thác, trung tâm đào tạo đa ngành, trung tâm nghiên cứu khoa học của vùng và khu vực; vùng khai thác, chế biến và dự trữ khoáng sản bô xít. Tập trung phát triển ngành dịch vụ, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, chữa bệnh chất lượng cao gắn với khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa bản địa; công nghiệp khai thác, chế biến bauxite, alumin, công nghiệp chế biến nhôm. Phát triển thành phố Đà Lạt là trung tâm tiểu vùng.
0 nhận xét:
Post a Comment