Xác san hô chết bị sóng đánh dồn lên bờ tại đảo Hòn Mun – Ảnh: Ban quản lý vịnh Nha Trang
Trưởng Ban quản lý vịnh Nha Trang Huỳnh Bình Thái cho biết vừa kiểm tra thực trạng san hô tại Hòn Mun và nhiều đảo trong vịnh Nha Trang.
San hô ở Hòn Mun bị tàn hại từ khi nào?
Ông Huỳnh Bình Thái cho biết theo kết quả khảo sát vào ngày 12-6, không chỉ có san hô tại Hòn Mun mà ở các đảo khác trong vịnh Nha Trang đều có san hô bị hư hại rất nhiều, suy giảm 70 – 80% so với kết quả khảo sát từ năm 2015.
San hô ở vịnh Nha Trang bị hư hại theo hai dạng chính là bị tẩy trắng (vào năm 2019) và bị gãy đổ. Tình trạng đó đã diễn ra từ cách đây khoảng 4 năm rưỡi.
Về nguyên nhân tàn hại san hô, theo Ban quản lý vịnh Nha Trang, “độ phủ san hô tại các trạm khảo sát trong năm 2022 bị suy giảm so với năm 2015 có thể lý giải bởi tác động của bão số 12 năm 2017, sự bùng nổ sao biển gai năm 2018 – 2019, tẩy trắng san hô năm 2019 và ảnh hưởng của bão số 9 năm 2021.
Hầu hết san hô tại vùng rạn cạn ở độ sâu từ 1 – 3m bị sóng đánh làm gãy đổ và khả năng phục hồi tự nhiên là rất chậm”.
Ban cũng thừa nhận: “Bên cạnh đó, khối lượng xây dựng cơ sở hạ tầng ven biển, san lấp lấn biển trên các đảo trong vịnh Nha Trang dẫn đến lượng trầm tích trong nước tăng cũng tác động phần nào đến các hệ sinh thái rạn san hô tại khu vực khảo sát”.
Giúp san hô hồi phục được không?
Theo tiến sĩ Nguyễn Tác An – nguyên viện trưởng Viện Hải dương học tại Nha Trang, san hô ở vịnh Nha Trang, đặc biệt là trong khu vực Khu bảo tồn biển Hòn Mun, đã được khảo sát quốc tế là rất phong phú, có đến khoảng 380 loài.
“San hô chết, san hô bị hư hại là một trong những biểu hiện của sự suy thoái về môi trường biển. Đó là một vấn nạn rất nguy hiểm, nó gây ra nhiều tác hại từ từ giống như một bệnh nan y vậy” – ông An nói.
Trên thế giới, theo ông An, người ta đã tổng kết có 8 nguyên nhân gây ra và dẫn đến tình trạng suy thoái môi trường sinh thái biển. Bên cạnh nguyên nhân tự nhiên, trong các nguyên nhân do con người gây ra, có các hoạt động gây ô nhiễm môi trường trên bờ và cả do các hoạt động xây dựng trên các đảo trong khu vực.
Tuy nhiên, theo ông An, “muốn nói san hô chết do nguyên nhân nào thì cũng đều phải có kết quả kiểm tra, khảo sát khoa học, có số liệu cụ thể, chính xác thì mới khẳng định được”.
Còn về khả năng cứu các rạn san hô ở Hòn Mun và cả trong vịnh Nha Trang đã bị hư hại, theo tiến sĩ An, “con người và khoa học đều có thể làm được”.
Cụ thể là cần phải tổ chức cho các chuyên gia đi kiểm kê, đánh giá lại hiện trạng các vùng bảo tồn có san hô và đa dạng sinh học bị suy giảm để xác định nguyên nhân, xác định loài san hô bị chết thì mới đề xuất được giải pháp khắc phục.
Về khả năng phục hồi của san hô, cũng theo ông An, trong 380 loài san hô ở vịnh Nha Trang có những loài phát triển rất chậm nhưng cũng có nhiều loài san hô sinh trưởng, phát triển nhanh (khoảng 1,6cm/năm).
Thời gian để thực hiện các biện pháp khảo sát, đề xuất giải pháp khắc phục đó cũng phải mất cả năm trời. Còn chi phí cho các nhà khoa học để thực hiện, theo ông An, là “cũng không nhiều, nếu chỉ thực chi cho khoa học, đúng mục đích, không đưa các hoạt động khác không cần thiết bám vào đó để chi tiền, lấy kinh phí”.
Tuổi Trẻ Online – Du Lịch – RSS Feed
http://dlvr.it/SS9YSZ
0 nhận xét:
Post a Comment