Truyền thống đón năm mới ở Nhật Bản có gì đặc biệt? ~ Du Lịch Thái Lan Hà Nội

Tuesday, February 9, 2021

Truyền thống đón năm mới ở Nhật Bản có gì đặc biệt?

Thứ Tư, ngày 10/02/2021 12:00 PM (GMT+7)

Năm mới sắp đến gần, những du khách đến Nhật Bản có thể khám phá rất nhiều phong tục và truyền thống của năm mới mang lại cho bạn những trải nghiệm thú vị.

Đêm giao thừa - Omisoka 

Omisoka là lễ giao thừa tại Nhật Bản. Để bắt đầu một năm mới với tâm thế sảng khoái, các gia đình và trẻ em cùng nhau dọn dẹp toàn bộ ngôi nhà và dùng những ngày cuối cùng của năm cũ để chuẩn bị cho bữa ăn đặc biệt osechi ryori, trang trí và nghi lễ đặc biệt cho ngày đầu năm mới.

Joya no Kane

Truyền thống đón năm mới ở Nhật Bản có gì đặc biệt? - 1

Vào khoảng nửa đêm của đêm giao thừa, bạn có thể nghe thấy tiếng chuông vang lên trên bầu trời yên tĩnh trong khoảng 1 - 2 giờ. Nghi lễ này được gọi là Joya no Kane, và nó là một trong những nghi lễ quan trọng nhất trong năm của các ngôi chùa Phật giáo trên khắp Nhật Bản. Bất kể sống ở đâu trên đất nước mặt trời mọc, bạn cũng có thể nghe thấy tiếng chuông từ những ngôi chùa ở nhiều khu vực lân cận.

Nhưng bạn có biết tại sao người Nhật lại đánh chuông đúng 108 lần không? Trong Phật giáo, người ta tin rằng con người bị cản trở bởi 108 loại ham muốn và cảm xúc trần thế gọi là Bonnou, biểu hiện bằng sự tức giận, bảo thủ và ghen tị. Mỗi cú đánh của chuông sẽ loại bỏ một Bonnou gây rắc rối.

Trong tiếng Nhật, Jo có nghĩa là “vứt bỏ cái cũ và chuyển sang cái mới” và Ya có nghĩa là “đêm”. Vì vậy, đó là đêm hoàn hảo để bỏ lại con người cũ và bắt đầu năm mới với những quyết tâm mới và một cái đầu tỉnh táo. 

Toshikoshi-soba

Truyền thống ăn mì soba vào đêm giao thừa được cho là đã trở nên phổ biến từ thời Edo (1603-1868) ở Nhật Bản. Khi làm soba, bột sẽ được kéo dài và cắt thành sợi dài và mỏng, được cho là tượng trưng cho một cuộc sống lâu dài và khỏe mạnh. Điều thú vị là soba được cắt dễ dàng hơn so với các loại mì khác, nó cũng tượng trưng cho mong muốn cắt bỏ mọi điều xui xẻo của năm cũ để bắt đầu một năm mới tươi đẹp của người Nhật.

Kadomatsu

Truyền thống đón năm mới ở Nhật Bản có gì đặc biệt? - 2

Bạn có thể đã nhìn thấy những cây thông, tre và mận trang trí trước cửa nhà và văn phòng của người Nhật trong những ngày cuối năm cũ và đầu năm mới. Nó được gọi là kadomatsu, và trong khoảng thời gian từ ngay sau Giáng sinh cho đến ngày 7 tháng Giêng, người ta tin rằng, nó sẽ mang đến chỗ ở tạm thời cho thần Toshigami-sama để đảm bảo một vụ mùa bội thu và những lời chúc phúc từ tổ tiên đối với con cháu trong gia đình. Cây thông, cây trúc và cây mận đều tượng trưng cho sự trường thọ, thịnh vượng và bền chặt.

Kagami-mochi 

Truyền thống đón năm mới ở Nhật Bản có gì đặc biệt? - 3

Kagami-mochi, thường được dịch là bánh gạo gương, là một loại bánh gạo được dùng làm đồ trang trí. Gương ở Nhật Bản thường được sử dụng cho các nghi lễ quan trọng của Thần đạo. Vì những chiếc gương được cho là nơi các vị thần trú ngụ, những chiếc bánh mochi này có hình dạng giống như một chiếc gương tròn cổ xưa để cùng các vị thần chúc mừng năm mới.

Bên trên bánh gạo là một loại cam gọi là daidai, có nghĩa là “qua nhiều thế hệ”, thể hiện ước nguyện về sự thịnh vượng của con cháu qua nhiều thế hệ. Shimekazari hay vòng hoa năm mới được làm bằng dây, cành cây và dải giấy cũng là một hình ảnh phổ biến ở lối vào nhà và văn phòng.

Ngày đầu năm mới - Ganjitsu 

Ganjitsu là một ngày khá bận rộn đối với các gia đình Nhật Bản. Sau khi ăn sáng bằng osechi ryori với tất cả người thân, họ sẽ đi thăm đền chùa và mua sắm các món hàng đặc biệt cho năm mới.

Osechi ryori 

Truyền thống đón năm mới ở Nhật Bản có gì đặc biệt? - 4
Truyền thống đón năm mới ở Nhật Bản có gì đặc biệt? - 5

Osechi ryori bao gồm các món ăn truyền thống của Nhật Bản được ăn vào đầu năm mới. Chúng được bày biện trong một hộp bento 3 hoặc 4 lớp đẹp mắt đặt ở giữa bàn để cả gia đình hoặc bạn bè cùng ăn. Osechi có từ thời Heian (794-1185), và kể từ đó, mỗi món ăn trong osechi đều đại diện cho một điều ước cụ thể cho năm mới. Ví dụ, renkon (củ sen) tượng trưng cho hy vọng về một tương lai tốt đẹp và hạnh phúc mà không có chướng ngại vật phía trước, bởi vì bạn có thể nhìn thấy phía bên kia (tương lai) thông qua các lỗ (của củ sen) mà không có chướng ngại vật. 

Iwai-bashi

Truyền thống đón năm mới ở Nhật Bản có gì đặc biệt? - 6

Khi ăn osechi ryori, người Nhật dùng một loại đũa đặc biệt gọi là iwai-bashi. Thông thường, đũa sẽ mỏng dần về đầu mà bạn dùng để gắp thức ăn, trong khi với iwai-bashi, cả hai đầu đều nhọn. Điều này là do một bên sẽ được sử dụng bởi chính người ăn, và bên kia được cho là sử dụng bởi một vị thần.

Osechi ryori là thứ được dâng lên vị thần đầu tiên, sau đó thần cho phép người ăn dùng nó để được ban phước với một năm đầy thành quả sắp tới. Vì vậy, theo quan niệm của người Nhật Bản, việc dùng cả hai bên đũa để lấy một ít thức ăn từ đĩa dùng chung sẽ bị coi là thiếu tôn trọng đối với thần linh.

Otoso 

Truyền thống đón năm mới ở Nhật Bản có gì đặc biệt? - 7

Otoso đôi khi được dịch là chúc mừng năm mới, nhưng thực chất nó mang một ý nghĩa khác. Chữ cuối cùng "蘇" được cho là tên của một con quỷ thường quấy rối dân làng, và chữ ở giữa có nghĩa là "giết" hoặc "tàn sát". Vì vậy, mục đích của việc uống otoso là để xua đuổi tà ma xung quanh và mong muốn một cuộc sống lâu dài không bệnh tật.

Khi uống otoso, các gia đình dùng chung 3 chiếc cốc đặc biệt. Thứ tự uống rượu thường bắt đầu từ người trẻ nhất và kết thúc với người lớn tuổi nhất, mục đích là để người lớn tuổi hấp thụ một số sinh khí từ những người trẻ tuổi.

Otoshidama (Lì xì)

Truyền thống đón năm mới ở Nhật Bản có gì đặc biệt? - 8

Otoshidama là điều mà tất cả trẻ em đều mong đợi. Trẻ em nhận được bao lì xì với một số tiền mặt từ cha mẹ, ông bà và họ hàng thân thiết của chúng, thường từ 5-6 người. Số tiền trung bình trong mỗi bao lì xì là 5.000 yên, tăng dần khi trẻ em lớn lên. 

Truyền thống bắt nguồn từ việc dâng bánh gạo gọi là kagami mochi cho Toshigami-sama, một vị thần năm nới. Những chiếc bánh gạo đó được cha mẹ tặng cho trẻ em, sau đó chúng được thay thế bằng đồ chơi và hiện nay là một món tiền. 

Hatsumode 

Truyền thống đón năm mới ở Nhật Bản có gì đặc biệt? - 9

Hatsumode là chuyến thăm đầu tiên của người Nhật Bản đến một ngôi đền trong những ngày đầu tiên của tháng Giêng, nơi cả gia đình cùng nhau cầu nguyện cho một năm may mắn. Một số ngôi đền tổ chức lễ hội với các gian hàng bán đồ ăn, omikuji (dải giấy vẽ hình bói toán) và bùa may mắn để cầu mong sự an toàn, thịnh vượng cho con cháu, kết quả thi tốt, tình yêu và sự giàu có.

Khi cầu nguyện, đầu tiên, người ta ném một số đồng xu vào chiếc hộp trước bàn thờ, rung chuông bằng dây thòng xuống từ nó, cúi đầu 2 lần, vỗ tay 2 lần trước ngực và cuối cùng, cúi đầu thêm một lần nữa.

Nengajo

Truyền thống đón năm mới ở Nhật Bản có gì đặc biệt? - 10

Nengajo là một loại bưu thiếp đặc biệt mà người Nhật gửi cho bạn bè, người quen của họ như một hình thức chúc mừng cuối năm. Phong tục này khá giống với truyền thống gửi thiệp Giáng sinh ở các nước phương Tây. Chúng thường được gửi từ cuối nằm và được giao vào ngày 1/1 nhờ dịch vụ bưu điện.

Không chỉ dùng để gửi lời chúc, tất cả các bưu thiếp nengajo đều có ghi số xổ số và khi được gửi đi, người sở hữu số trúng thưởng sẽ có thể nhận được nhiều giải thưởng khác nhau, bao gồm một số mặt hàng đắt tiền như vé du lịch hay thiết bị điện tử.

Fukubukuro 

Truyền thống đón năm mới ở Nhật Bản có gì đặc biệt? - 11

Fukubukuro có nghĩa là một chiếc túi may mắn, là một truyền thống của Nhật Bản, nơi các cửa hàng lấp đầy túi với những hàng hóa còn sót lại ngẫu nhiên từ năm trước và bán chúng với giá rất rẻ. Truyền thống này được cho là bắt nguồn từ một câu tục ngữ của Nhật Bản là "Thức ăn thừa sẽ có lộc".

Một số cửa hàng nổi tiếng có một hàng dài người xếp hàng trước khi họ mở cửa vào ngày đầu năm mới. Các mặt hàng thường được bán với mức giá chỉ bằng 50% giá ban đầu.

Nguồn: https://baogiaothong.vn/truyen-thong-don-nam-moi-o-nhat-ban-d495082.htmlNguồn: https://baogiaothong.vn/truyen-thong-don-nam-moi-o-nhat-ban-d495082.html

Những truyền thống đón năm mới siêu ”dị” trên khắp thế giới

Chào mừng bạn đến với năm 2021. Vào thời điểm bạn đọc bài viết này, hầu hết mọi người trên khắp thế giới đang...

0 nhận xét:

Post a Comment